Hộ chiếu logistics giúp doanh nghiệp giảm 40% chi phí. Theo Bộ Công thương, hộ chiếu Logistics thế giới có thể giúp doanh nghiệp tiết giảm tới 40% chi phí logistics và 80% thời gian vận chuyển, qua đó góp phần nâng cao năng lực logistics Việt Nam và gia tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng Việt Nam.
Ngày 28/2, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã chủ trì tổ chức hội nghị trao đổi về Sáng kiến Hộ chiếu Logistics thế giới và khả năng tăng cường hợp tác Việt Nam – Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) trong lĩnh vực logistics, nhằm gia tăng xuất khẩu hàng Việt Nam vào UAE…
Việt Nam chính thức gia nhập danh sách trung tâm logistics và thương mại của khu vực
Theo Bộ Công thương, hộ chiếu Logistics thế giới (WLP) là một sáng kiến toàn cầu do Dubai dẫn đầu được thiết kế nhằm tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại thế giới, đã bổ sung Việt Nam vào danh sách các trung tâm logistics và thương mại của khu vực (gọi tắt là Hub). WLP chào đón 5 doanh nghiệp Việt Nam vào danh sách các đối tác và hy vọng thời gian tới số lượng đối tác sẽ càng tăng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Abdulla Alsuwaidi – Giám đốc Hubs và Đối tác toàn cầu WLP đánh giá, với vị trí chiến lược là một trung tâm trung chuyển và sản xuất của khu vực, Việt Nam sẽ là Hub quan trọng thuộc mạng lưới WLP. Sáng kiến WLP dựa trên bài học thành công của Dubai hơn 20 năm trước trong việc xây dựng để trở thành một đầu mối Hub hiệu quả của toàn cầu.
WLP làm việc với các đối tác tại 29 Hub thuộc mạng lưới này và chương trình tùy chỉnh các lợi ích cho các hội viên để giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, cung cấp hỗ trợ cho mạng lưới để loại bỏ các rào cản thương mại, mở khóa thương mại đa phương thức, tạo thuận lợi cho hành trình giao dịch tổng thể cho các nhà giao dịch và tạo điều kiện tiếp cận thị trường toàn cầu.
“WLP là một mạng lưới thương mại đa phương, hướng tới hoạt động thương mại qua biên giới êm thuận. Các lợi ích được điều chỉnh để giúp các thương nhân tiết kiệm chi phí, thời gian và mở ra cơ hội tiếp cận thị trường mới. WLP đang lựa chọn các đối tác một cách chiến lược dọc hành trình chuỗi cung ứng và logistics nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại và hướng tới việc tăng cường xuất nhập khẩu đa dạng các giữa các Hub” – ông Abdulla Alsuwaidi nhấn mạnh.
Ts. Bader Abdulla Al Matrooshi – Đại sứ UAE tại Việt Nam cho biết: “UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 8 tỷ USD. Với việc có nhiều hơn những sáng kiến như WLP, chúng tôi tin lượng kim ngạch sẽ ngày càng tăng thông qua việc nâng cao lợi ích kinh tế và thương mại cho các đối tác ký kết và từ đó ngày càng có nhiều đối tác tham gia”.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, tạo thuận lợi cho thương mại, tăng tính cạnh tranh quốc gia luôn là những nhiệm vụ quan trọng không những của ngành Công thương mà còn cả hệ sinh thái logistics quốc gia. Điểm mấu chốt của WLP là sự vận hành theo mô hình Hub của từng quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.
“Với việc công bố khởi động chương trình WLP tại Việt Nam, tôi mong muốn ngành logistics Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều thành công, tận dụng cũng như chia sẻ được nhiều lợi ích của chương trình trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng với toàn cầu, góp phần vào việc phát triển thương mại hai bên Việt Nam – UAE và thương mại trên toàn mạng lưới WLP. Đây cũng mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường UAE” – ông Trần Thanh Hải kỳ vọng.
Thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông, châu Phi
Theo Bộ Công thương, WLP có thể giúp doanh nghiệp tiết giảm tới 40% chi phí logistics và 80% thời gian vận chuyển, qua đó góp phần nâng cao năng lực logistics Việt Nam và gia tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Minh Phương – Trưởng phòng Hợp tác Tây Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công thương, hoạt động vận tải của Việt Nam đang trên đà phát triển với sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu.
Việt Nam có vị trí địa lý thích hợp và thuận lợi để xây dựng trung tâm logistics ở khu vực Đông Nam Á với hệ thống kho bãi, cảng biển, đường cao tốc ngày càng cải thiện. Sự phát triển của logistics cũng tạo điều kiện để Việt Nam hình thành khu sản xuất mới trong khu vực, có năng lực để xuất khẩu.
Trong khi đó, UAE là đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Thông qua UAE hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội tiếp cận tới nhiều quốc gia trong khu vực. Sự hợp tác hiệu quả với UAE trong lĩnh vực logistics sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông, châu Phi.
Xem thêm : Thị trường xuất khẩu – Vai trò và ý nghĩa
Theo ông Mr Avery Shipton – Trưởng Ban phát triển châu Á, Diễn đàn Sáng kiến Hộ chiếu logistics thế giới, các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam khi được UAE cấp hộ chiếu đều được tạo thuận lợi và hỗ trợ về thông quan, miễn thuế hàng không, giảm thời gian kiểm tra và đưa lên phương tiện vận tải nhanh chóng, miễn phí, giảm thời gian lưu kho lên tới 48 giờ, hàng hóa có thể được thông quan trước khi đến cảng, nhờ đó dự kiến sẽ tiết kiệm thời gian và 40% chi phí vận hành.
Hiện một số cảng của UAE thực hiện miễn giảm thuế, phí cho hàng hóa có hộ chiếu logistics, hàng hóa khi qua con đường tơ lụa Dubai sẽ tiết kiệm tiền lưu kho; có thể chuyển hàng thông suốt từ nơi xuất phát cho đến đích. Với những lợi thế trên, cơ quan Hải quan Dubai đang kỳ vọng hàng hóa giao thương từ Việt Nam đến các thị trường mới tăng từ 0,5% lên đến 27%.
Theo số liệu thống kê năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang UAE tăng trên 18% so với năm 2021. Riêng mặt hàng cá tra đông lạnh, phi lê, Việt Nam đang đứng đầu thế giới xuất khẩu vào UAE, chiếm trên 50% thị phần.
Trong nhóm hàng nông sản, rau quả gồm thanh long, dưa hấu, chanh không hạt, Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường UAE nói riêng, cũng như thị trường các nước Trung Đông nói riêng và GCC (Hội đồng Hợp tác các nước Arab Vùng vịnh) nói chung. Các mặt hàng này của Việt Nam đang được bày bán trong siêu thị của UAE với giá hợp lý.
Mặt hàng cá tra đông lạnh, phi lê của Việt Nam đang đứng đầu thế giới xuất khẩu vào UAE, chiếm trên 50% thị phần.
Bên cạnh đó, hạt điều Việt Nam hiện chiếm thị phần lớn nhất tại UAE, tới 81%, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt trên 55 triệu USD, tăng 14% so với năm 2021; hạt tiêu Việt Nam cũng chiếm tới 60% thị phần nhập khẩu của UAE, đạt kim ngạch 58 triệu USD.
Ông Trương Xuân Trung, Thương vụ Việt Nam tại UAE cho biết, UAE là thị trường cạnh tranh khốc liệt về giá và chất lượng. Hiện một số sản phẩm của Việt Nam đang chiếm thị phần lớn và tiếp tục có khả năng xuất khẩu sang thị trường UAE trong năm nay, trong đó có nông sản, thủy sản, một số mặt hàng công nghiệp như dệt may, da giày. |