Các loại vận đơn đường biển ( Bill of Lading) và ý nghĩa của chúng. Vận đơn đường biển rất đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức, và được sử dụng vào nhiều công việc khác nhau, đặc biệt là trong thanh toán quốc tế bằng L/C.
Chính vì vậy, việc nhận biết các loại vận đơn đường biển và ý nghĩa của chúng là vấn đề hết sức quan trọng đối với những người có liên quan, đặc biệt là đối với nhà xuất nhập khẩu, các ngân hàng… Có thể dựa vào tình trạng hàng hóa, đặc điểm hành trình, ghi chú trên vận đơn, khả năng lưu thông để nhận biết các loại vận đơn.
Vận đơn gốc ( Original Bill of Lading ) :
Vận đơn gốc (Bill gốc) hay còn là Original Bill là loại vận đơn được phát hành bới các hãng tàu hoặc forwarder.
Các vận đơn mà được in ra được đóng dấu chữ Original ở mặt phía trước vận đơn. Thông thường, mặt sau vận đơn sẽ in các điều khoản và điều kiện.
Việc phát hành 1 bộ vận đơn sẽ gồm có 2 hay nhiều hơn 3 bản Original giống về hình thức, nội dung. Tuỳ thuộc vào mỗi hãng tàu hay forwarder sẽ có các cách in vào vận đơn các chữ khác nhau để dễ phân biệt.
Vận đơn copy ( Copy Bill of Lading ) :
Vận đơn copy là hình thức sao y từ bản vận đơn gốc ra thành một hoặc nhiều bản khác bằng các hình thức như các bản sao, bản in, đánh máy hay bản photo,… nhưng những loại này không được phép ký bằng tay, và gọi chung là bản copy. Bản sao là các chứng từ có dấu “Copy” hoặc các chứng từ được tạo ra không phải bằng viết tay hay bằng trang đầu của máy đánh chữ mà không có dấu “Original” . Bản sao không cần phải ký.
Trên các vận đơn này sẽ có dòng chữ “copy”, có một vài vận đơn khác thì là chữ “ Non-negotiable” ở mặt trước, còn mặt sau của bản sao vận đơn thường được in đen trắng.
Vận đơn thay đổi (Switch B/L) :
Vận đơn được cấp lại theo yêu cầu của người giao hàng hoặc người nắm giữ vận đơn để thay đổi một số chi tiết trên vận đơn. Thường áp dụng trong mua bán 03 bên.
Theo quy định, một lô hàng không được phép cấp hai bộ vận đơn cùng hiệu lực, vì vậy, bên chuyên chở chỉ được phát hành vận đơn thay đổi (Swich B/L) sau khi đã thu hồi bộ vận đơn thứ nhất.
Vận đơn đích danh (Straight B/L):
Vận đơn đích danh được phát hành khi lô hàng được gửi trực tiếp đến tận tay người nhận, được chỉ rõ trên vận đơn (“consignee”). Người nhận hàng đã thanh toán tiền cho toàn bộ lô hàng.
Hàng hóa được giao cho đích danh thông tin người nhận trên vận đơn, không chuyển nhượng được cho người khác bằng cách ký hậu.
Vận đơn theo lệnh (To order B/L):
Là loại vận đơn thông dụng nhất, người nhận chưa cần phải thanh toán lô hàng ngay.
Người nhận/người gửi có thể chuyển nhượng quyền sở hữu của lô hàng cho bên thứ 3 khác bằng cách ký hậu trên vận đơn.
Tại mục “Consignee” (người nhận hàng), có thể ghi: to order of shipper (theo lệnh của người gửi hàng), to order of consignee (theo lệnh của người nhận hàng), to order of bank (theo lệnh của ngân hàng).
Vận đơn vô danh (to bearer B/L):
Trên vận đơn không ghi rõ người nhận hàng (mục “consignee”) hoặc có thể ghi là “vô danh” hoặc phát hành theo lệnh nhưng không ghi là theo lệnh của ai. Vận đơn có thể chuyển nhượng được. Người nắm giữ vận đơn là người sở hữu lô hàng.
Vận đơn đi thẳng (Direct B/L) :
Là vận đơn được cấp trong trường hợp hàng hóa được chuyên chở thẳng từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng mà không có chuyển tải dọc đường.
Chuyển tải có nghĩa là việc dỡ hàng xuống rồi lại bốc hàng lên từ một con tàu này sang một con tàu khác trong hành trình vận tải biển từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng.
Vận đơn chở suốt (thrcught B/L) :
Là vận đơn đường biển được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được chuyên chở từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng cuối cùng bằng nhiều con tàu, bởi một hay nhiều người chuyên chở, nghĩa là hàng hóa phải chuyển tải dọc đường.
Vì được chuyển tải, nếu trên vận đơn chở suốt phải thể hiện là được phép chuyển tải (transhipment allowed) và phải thể hiện rõ cảng bốc, cảng dỡ và cảng chuyển tải và tên con tàu chuyển tải. Vì có nhiều người chuyên chở cùng tham gia, nên thường có một người đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm về toàn bộ hàng trình chuyên chở; người này được quyền cấp vận đơn chở suốt.
Vận đơn rút gọn (Short B/L) :
Là vận đơn chỉ có nội dung ở mặt trước, mặt sau để trống. Ở mặt trước, ngoài những điều khoản có trên tờ vận đơn đường biển bình thường, còn có nguồn dẫn chiếu để giải quyết khi có tranh chấp phát sinh. Vận đơn rút gọn thường được sử dụng khi thuê tàu chuyến vì ngoài vận đơn còn có hợp đồng thuê tàu chuyến.
Vận đơn hải quan (Custom’s B/L):
Khi hàng hóa chưa được bốc lên tàu mà phải nhập kho hải quan để làm thủ tục, thì Hải quan cấp cho chủ hàng một loại vận đơn gọi là vận đơn hải quan. Vận đơn hải quan chỉ được sử dụng để giải quyết thủ tục hải quan.
Vận đơn đường biển không hoàn hảo :
Vận đơn không hoàn hảo là vận đơn có phê chú xấu về hàng hóa hoặc bao bì.
Ví dụ, các phê chú xấu rõ ràng sau đây sẽ làm cho vận đơn trở nên không hoàn hảo; Bao bì không đáp ứng cho vận tải biển; Một thùng bị vỡ; Hàng bị ướt; Hàng có mùi hôi; Ký mã hiệu không rõ ràng…
Vận đơn đường biển hoàn hảo :
Vận đơn hoàn hảo là vận đơn không có phê chú xấu về hàng hóa hoặc bao bì.
Như vậy, để phân biệt vận đơn hoàn hảo và vận đơn không hoàn hảo ta phải căn cứ vào phê chú về hàng hóa hoặc bao bì trên vận đơn chứ không căn cứ vào việc có ghi hay không ghi từ hoàn hảo (không hoàn hảo) trên vận đơn.
Vận đơn đa phương thức (Multimodal B/L) :
Bắt buộc phải sử dụng ít nhất 02 phương thức vận chuyển (vd: đường biển + đường hàng không; đường biển + đường bộ,…)
Còn được gọi là vận đơn kết hợp (combined B/L). Là hợp đồng vận chuyển giữa bên sở hữu hàng hóa – C với bên vận chuyển – S, trong đó S cam kết là bên chuyên chở chính để vận chuyển hàng hóa từ điểm A đến điểm B, ngay cả nếu hành trình di chuyển giữa hai điểm đó có bao gồm cả đường biển và những phương thức khác như đường bộ, đường sắt hay đường hàng không.
Vận đơn tàu chợ :
Tàu chợ (Liner) là tàu chở hàng chạy thường xuyên trên một tuyến đường nhất định, ghé vào các cảng quy định và theo một lịch trình đã định trước. Như vậy, khi hàng hóa được gửi theo tàu chợ, người chuyên chở sẽ cấp cho người gửi hàng một vận đơn, gọi là vận đơn tàu chợ.
Khác với vận đơn theo hợp đồng thuê tàu, trên mặt sau vận đơn tàu chợ in sẵn các điều khoản và điều kiện về chuyên chở hàng hóa, còn mặt trước vận đơn có chữ ký của người chuyên chở. Khi có tranh chấp xảy ra, người ta dùng vận đơn (các điều khoản ghi ở mặt sau) hoặc Công ước quốc tế để giải quyết.
Như vậy, vận đơn tàu chợ có giá trị không những là chứng từ sở hữu hàng hóa, mà còn có giá trị pháp lý đầy đủ như một hợp đồng chuyên chở.
Vận đơn tàu chuyến :
Tàu chuyến (Voyage Charter) là tàu thuê theo chuyến để chuyên chở giữa các cảng theo yêu cầu của chủ hàng mà không theo một tuyến đường nhất định. Khi chuyên chở theo hợp đồng thuê tàu chuyến, thì chủ tàu hay thuyền trưởng sẽ phát hành một vận đơn tàu chuyến và trên vận đơn có ghi cầu ” sử dụng với hợp đồng thuê tàu – to be used with charter party” hoặc câu “phụ thuộc vào hợp đồng thuê tàu – Issued pursuant to charter party dated…”, nghĩa là biểu hiện sự phụ thuộc của vận đơn vào hợp đồng thuê tàu.
Trên đây là tóm tắt về các loại vận đơn đường biển ( Bill of Lading) và ý nghĩa của chúng trong các hoạt động giao dịch xuất nhập khẩu và vận chuyển đường biển quốc tế. Hy vọng sẽ giúp các bạn có cái nhìn đa dạng hơn về các loại vận đơn đường biển.
Xem thêm : Vận đơn đường biển – Vai trò và ý nghĩa trong giao dịch thương mại quốc tế